2.2.07

VÕ NGUYÊN -- Thương

VÕ NGUYÊN

THƯƠNG
Truyện ngắn

Lời người đọc: Mặc dù không đồng ý với Võ Nguyên một vài chi tiết, nhưng phải thừa nhận truyện ngắn của anh được viết thật “chắc tay”. TXA.

Absence makes the heart grow fonder
(Sự thiếu vắng khiến cho trái tim trở nên trìu mến, cả tin hơn).
Tục ngữ Anh


Những cơn gió Nam Lào lồng lên như đàn ngựa hoang, mang theo hơi nóng nung khô nám thịt da người, thổi suốt tuần không dứt. Cát bụi từ con đường đất đỏ xuyên tỉnh người ta mới mở quay tít mù không gian vất vưởng xuống ruộng đồng, rừng suối. Những bờ cỏ, vòm cây dọc theo tuyến đường phủ lên màu đỏ tím bầm nham nhở, dơ dáy. Ở cái vùng quê chưa có lấy một công trình thuỷ lợi, không có cách nào đưa nước về làng, nên ruộng đồng nứt nẻ tạo ra những đường vân buồn như lưng rùa. Vào mùa khô hầu như người lao động xứ này thất nghiệp, thế mà có người thi vị gọi đó là lúc nông nhàn, thực ra họ là những nông dân bán thất nghiệp, nhàn sao cho nổi, nhiều khi chỉ biết ngồi ngóng những áng mây bạc bẽo vô tình lang thang trôi qua hờ hững trên nền trời cao tít. Người ta cứ đợi chờ cái mà người ta biết không bao giờ đến với họ trong những lúc thế này. Thanh niên bỏ làng đi hết, tha phương cầu thực, chủ yếu hướng về phương Nam. Còn lại người già và trẻ em. Lỡ ai đó qua đời, nhiều khi tìm không ra những người trai trẻ để đưa họ đến nơi an nghỉ.

Tôi sinh ra trên mảnh đất buồn nhiều hơn vui ấy, chứng kiến sự cằn khô cỏ cháy vào mùa hè, lại mưa dầm thối đất vào mùa đông. Mùa đông mang theo cái rét với mưa phùn giá buốt lạnh cóng chân tay. Mẹ tôi khuyên tôi gắng học để thoát khỏi cái cảnh quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Bà nói cứ quần quật suốt ngày mà đến Tết cũng không có được bộ đồ mới ra hồn cho con cái chưng diện với người ta. Mẹ bảo sinh tôi những năm cả nước đói nghèo. Tôi mới hai tháng tuổi mẹ đã mất sữa, nên phải lấy nước cơm thay sữa nuôi tôi. Đói đến nỗi có lần bà mơ thấy mình ăn phở có miếng thịt ngon, miếng ngon dành để ăn sau, khi ăn hết phở, húp hết nước lèo, chuẩn bị ăn sang miếng thịt thì lại giật mình tỉnh giấc vì bị người ta đánh thức. Lúc nghe mẹ kể, tôi cười bò ngửa bò nghiêng. Bây giờ mỗi lần nhớ lại, muốn rơi nước mắt, thèm khát miếng thịt trong mơ cũng ăn không được. Mẹ đặt cho tôi tên Thương vì xót cho con sinh đúng cái thời khốn khó. Đời mẹ tôi lắm khổ, lắm buồn, sao mà tội nghiệp ! Mới ngoài bốn mươi mà người đã gầy khô, những đường gân trên đôi bàn tay nổi lên xanh dờn dưới làn da đen sạm. Còn đôi chân, nghe nói ngày xưa bố tôi mê mẹ vì có thân hình chắc khoẻ và cái đôi chân kia … những chiều về giếng làng rửa ráy, mẹ chỉ xăn quần lửng lên tới gối, thế mà đã làm cho ông cứ ngây người ngày ngày tơ tưởng, để cuối cùng ông quyết lấy cho được mẹ tôi. Thế mà bây giờ, dẫu có xắn quần lên tận háng, cũng chẳng tìm ra được tý nào cái nõn nà mơn mởn ngày xưa ! Hai bàn chân nứt nẻ quanh năm, giống như mặt ruộng vào mùa khô tháng hạn. Một vùng quê như thế, thanh niên bỏ làng bỏ xã ra đi có gì là lạ lắm đâu.

Dù mẹ muốn cho tôi đi học, nhưng hết lớp chín, học tiếp phải về trường huyện ở xa, mẹ chưa đủ sức cho tôi ở trọ, nên tôi đành theo mẹ ra đồng cắt lúa, trồng khoai, tiếp xúc với cái nắng rám người mùa khô và nước phèn trong rét buốt cóng người mùa đông. Nước phèn đồng chua bắt đầu đe doạ lên da trên đôi tay và đôi chân tôi. Một hôm nhìn tôi đang thay quần áo, mẹ bảo, thân hình tôi giống mẹ hồi mới lớn. Rồi bà thở dài. Nhưng tôi cảm thấy tự hào vì tôi giống mẹ. Qua cái Tết năm ấy, dì tôi – một bà dì họ – từ miền Nam về thăm, mẹ nghe lời dì và quyết định gửi tôi theo dì vào sống nơi thành phố biển miền Đông. Mẹ bảo : “Vào đấy vừa đi làm vừa xin đi học”. Cha tôi tỏ ra do dự, nhưng mẹ thì dứt khoát. Tôi theo dì vào nơi lạ cảnh lạ người. Công việc nhà dì chẳng có bao nhiêu, ngoài chuyện đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, quét dọn, trông nhà, tối lại đi học bổ túc văn hoá, ngoài ra chẳng biết có gì làm thêm. Nhà dì nhỏ hẹp, chỉ có bốn người – kể cả tôi – thế mà đi vào đi ra cứ giáp mặt đụng đầu. Mẹ tôi từ quê gửi tiền vào cho tôi học. Tôi biết đồng tiền của mẹ làm ra. Hồi ở quê, tính chuyện đi học ở trọ, mẹ không đủ sức đóng cả tiền học tiền ăn, bây giờ gắng lắm mới hỗ trợ cho tiền học phí, còn ăn uống đã có dì lo. Nhưng tôi nhận ra, dù vợ chồng dì rất quý mến tôi, song cuộc sống gia đình dì còn nhiều vất vả, tôi không đành sống mãi cảnh này, nên quyết định tự đi tìm việc.

Một chiều trên phố, tôi gặp một người cùng quê. Thế là tôi đến giúp cửa hàng ăn uống của cô. Ban ngày phục vụ khách hàng, ban đêm tranh thủ đi học. Nhưng khổ nỗi, cửa hàng đồ nhậu chủ yếu bán từ chiều sang đêm. Biết tôi dự định thôi việc, nhưng thấy tôi chăm chỉ cần cù, cô bảo : “Cứ làm với cô đi. Tối đến giờ thì đi học. Học xong về phụ cho cô”. Tháng ngày tha phương cầu thực của tôi bắt đầu như thế.

Lớp học bổ túc văn hoá ban đêm của tôi có đến năm mươi bốn người, đủ các lứa tuổi, đủ thành phần, cán bộ đương chức có – nghe nói họ theo học bởi nhà nước yêu cầu chuẩn hoá bằng cấp mới giữ được chức quyền, còn không cho nghỉ, cũng có bạn ban ngày chạy xe ôm, thợ nề, chăn vịt, có người đi làm ở các cửa hàng, xí nghiệp ... tối về đi học. Ông lớp trưởng lớn nhất, tuổi gần bốn chín, năm mươi, nghe nói ông đang làm chủ tịch xã. Người nhỏ tuổi nhất như tôi cũng đã mười chín đôi mươi. Tuy không đồng đều trang lứa, nhưng được cái lớp học này rất dễ thương, rất dễ hoà đồng thông cảm cho nhau. Những cô chú lớn tuổi ban ngày làm việc cơ quan, ban đêm đến lớp, dáng vẻ bơ phờ mệt mỏi, nhiều khi ngồi nghe thầy giảng mà mắt nhắm mắt mở, ngủ gật ngủ gà ; lớn tuổi bây giờ mới hoïc, có còn nhớ được gì đâu, nên phải dựa dẫm vào bọn trẻ những lúc làm bài. Tôi được mọi người tỏ ra ưu ái, mấy cô chú ưu ái là vì tôi học chăm, làm bài luôn được điểm cao, nên những giờ kiểm tra, bao giờ cũng tìm cách hướng về phía tôi trông chờ cứu viện. Còn những đứa con trai cùng lứa hoặc lớn hơn năm, bảy tuổi, ưu ái tôi vì tôi xinh gái nhất lớp này. Từ một vùng quê heo hút nghèo khó vào đây, hoà vào cái môi trường như thế, tôi thấy mình bớt trống trải cô đơn, nên tôi rất yêu quý lớp, thấy gắn bó vô cùng, nhưng khi ra khỏi cổng trường, trở về nhà trọ, tiếp xúc với những chồng chén đĩa cao ngất, với những mâm đũa xoong nồi dính đầy thịt cá dầu mỡ nằm la liệt bên vòi nước sau nhà, cảm thấy ngán ngẩm vô cùng. Nhưng biết làm sao, trở về nhà dì không nỡ, nên tối nào cũng thế, về đến nơi là vội thay áo thay quần, xắn tay lên mà chùi rửa, lúc nào cũng quá mười hai giờ khuya. Sáng ra cả nhà còn ngủ, nhà cô thức dậy rất trễ, tôi đã phải dậy sớm coi bài, bởi chín giờ trở đi phải tham gia làm cá, lặt rau, thái thịt, nấu nướng ... Rồi khách đến, hết ngày này qua ngày khác. Cô bảo, thấy mày chăm chỉ, ngoài tiền nuôi ăn, tao cho thêm tiền học phí. Chú nghe vậy không nói gì. Nhưng ông tỏ ra tâm lý, thỉnh thoảng dúi vào tay tôi năm bảy chục nghìn. Ông bảo : “Con gái có nhiều cái phải chi tiêu, đừng cho cô biết”. Tôi viết thư về cho mẹ, bảo đừng gửi tiền vào cho tôi nữa.

Tôi có đứa bạn, nó cũng tha phương cầu thực, nhưng không phải bạn học, mà nó đi làm như tôi cho một quán nhậu đối diện với quán tôi làm. Một hôm, nó mời tôi đi uống cà phê, ngắm biển. Nó bảo : “Tụi nó đi làm tiếp viên ở các quán bia, thu nhập khá lắm”. Tôi nói : “Những nơi tốt đâu còn chỗ cho mình”. Nó im lặng. Ba tuần sau nó lại bảo : “Tao tìm cho mày một chỗ làm rồi. Đi làm cùng tao. Ăn ở tự lo”. Tôi mừng rơn cả người : “Tiền tháng bao nhiêu ?”. Nó nói, cũng không chừng, chủ yếu là tiền khách “bo”. Tôi ngơ ngác, rồi vỡ lẽ ra, thấy lạnh cả người. Tôi đã từng nghe nói đến chuyện làm “tiếp viên” để nhận tiền “bo” của khách. Làm cái công việc mà người ta thường bảo, con gái như bọn tôi bây giờ mà sử dụng cái “vốn tự có” ấy để sống thì sẽ phong lưu. Còn nhớ năm ngoái học Truyện Kiều, thầy giáo dạy văn có nói : Xưa cô Kiều cũng vào chốn bán hoa, nhưng Kiều đoan trang khuê các, bị phường “buôn thịt bán người” biến thành sản phẩm làng chơi, mỗi lần cố ngoi lên để thoát ra thì bị nhấn chìm sâu hơn vào bùn đen dơ bẩn. Thế nên Kiều quằn quại, khổ đau, tự dày vò, xỉ vả lương tâm, xót xa nhục nhã thân mình khi nhân phẩm bị người ta chà đạp. Có thế nên người đời đọc Kiều mới cảm thương và quý trọng nhân cách của cô. Còn ngày nay, ngày nay có khác, biết bao cô gái bước vào giữa “chốn bán hoa” chẳng hề có ai ép buộc, họ tự nguyện vứt bỏ nhân phẩm của mình cho chó tha đi, họ tự rẻ rúng chính mình, nên người đời khinh khi. Bây giờ nghe bạn nói, tôi xót thương cho thân phận con người, âm thầm phản ứng trước sự tự nguyện huỷ hoại nhân cách. Biết nó đang muốn sử dụng cái “vốn tự có” của mình để tìm kế sinh nhai, nhưng chắc còn chút gì do dự, nên nó rủ rê tôi đi cùng, để có kẻ đồng hội đồng thuyền, cùng san sẻ nỗi niềm cho nhau.

Bỗng dưng mẹ tôi ốm nặng, ba nhắn tôi về. Báo cô chú biết, tôi vội vã ra đường quốc lộ đón xe. Gần hai năm xa nhà, gặp lại mẹ, trời ơi, chân tôi quỵ xuống bên giường. Mẹ nằm đấy, gầy ốm xanh xao. Thấy tôi, bà chồm ngồi dậy. Nước mắt hai mẹ con cứ thế chảy ròng. Có điều, khi gặp lại con gái, bà tươi tỉnh hẳn ra. Hai mẹ con suốt ngày thủ thỉ bên nhau. Một hôm, mẹ hỏi cặn kẽ từng chuyện tha phương cầu thực của tôi. Tôi nói hết, nói đến đoạn con bạn rủ tôi đi làm tiếp viên, mặt bà tái nhợt, nắm tay tôi : “Không được ! Nếu thế thì con phải ở lại nhà, không đi đâu nữa”. Tôi phải thanh minh nói rõ suy nghĩ lập trường, sẽ không bao giờ đi làm chuyện ấy để bà tin tưởng yên tâm. Sức mẹ ngày một yếu. Hôm ấy trời trở gió, cái gió bấc cóng người cứ mơn man lồng vào da thịt, len lỏi vào những chỗ vách trống, phả hơi lạnh vào tận chỗ mẹ nằm. Tôi phải đạp xe đi mua than củi về đốt lên để dưới chân giường cho mẹ. Bên ngoài trời tối. Ở thành phố quen ánh điện ánh đèn, về vùng quê heo hút, đêm xuống thấy đất trời quá đỗi âm u, mặc dù mới hai năm về trước, suốt tháng suốt năm mình có xa lạ gì đâu. Lại nghe tiếng ếch nhái kêu lúc gần lúc xa, nỗi buồn không biết từ đâu cứ thấm dần vào tâm thức. Mẹ bảo tôi ngồi xuống bên bà : “Dẫu khó thế nào cũng phải gắng học nghe con, học mấy chữ để tìm cái việc gì đó mà làm mà sống. Quê mình khó lắm !”. Im lặng hồi lâu, bà bảo tôi đỡ dậy : “Con mẹ đẹp gái. Sau này lấy chồng, cố tìm được người có học. Lấy chồng thất học khổ lắm. Còn tính đến chuyện con cái mai sau”. Và bà nói rất nhiều, trong đó có ý, người chồng lớn tuổi thường không nông nổi, họ có sự trưởng thành đứng đắn với đời. Rồi bà rút ra từ trong bao gối, trao cho tôi bốn chiếc khâu vàng : “Của này mẹ để cho con”. Bất ngờ, không biết làm sao mẹ tôi có được, quê tôi dành dụm thế này là điều rất khó. Tôi nói : “Được rồi, để con giữ thuốc thang cho mẹ”. Bà nói không cần. Nhưng có biết đâu, đêm đó bà nằm yên với giấc ngủ muôn đời. Từ đây tôi không còn mẹ, bỗng dưng tôi thấy đời mình trống vắng gớm ghê, trống hoang trống hoác. Chao ôi ! Một khoảng trống vô biên không có gì khoả lấp đi được. Đúng trăm ngày, bố tôi làm lễ cúng mẹ. Ông gọi ba anh em tôi lại : “Thằng Hải cứ tiếp tục công việc đang làm” – Thằng Hải tức anh cả của tôi, đang theo nghề xẻ gỗ trên rừng, nhưng ở tận Tây Nguyên – “Thằng Hà ở nhà với bố. Còn con Thương, trước khi mẹ bây qua đời, bà có dặn tao, phải để con Thương tiếp tục vào Nam vừa làm vừa học. Tao phải giữ lời”. Rồi ông đưa cho tôi vỏn vẹn đúng sáu trăm nghìn : “Sau khi phải lo thuoác thang cho meï chuùng maøy, coøn laïi chaúng ñöôïc bao nhieâu, con caàm laáy, chaúng bieát vaøo ñoù coù ñuû söùc ñeå töï lo lieäu nhöõng ngaøy tieáp theo ñöôïc nöõa hay khoâng ?!”. Cầm tiền mà tôi muốn trào nước mắt ! Tôi đặt tiền lại trên bàn rồi vào mở túi lấy ra ba chiếc khâu vàng của mẹ đưa cho, đặt chồng lên xấp tiền : “Con chỉ lấy tiền đi xe. Con gửi lại cho bố khoản này. Của mẹ cất cho con, nhưng con không dùng đến”. Bây giờ thì nước mắt bố tôi chảy xuống, ông không nói lời nào ! Có lẽ ông cũng không bao giờ ngờ đến.

Tôi vào lại miền Nam. Học hành dở dang ba tháng, không đủ điều kiện lên lớp, phải đúp một năm. Lần này cô chú tiếp đón tôi niềm nở, bảo thời gian vắng tôi, có thuê mấy người giúp việc, nhưng chúng làm ăn chẳng ra sao. Cô bảo : “Từ nay cô trả công tăng cho mày”. Tôi lại tiếp tục học bổ túc văn hoá ban đêm. Công việc cứ quay tôi như cái máy, dẫu bận rộn vô cùng, nhưng không thể nào có thể nguôi nỗi nhớ mẹ trong lòng. Tôi nghe tin con Thuỷ làm cho quán đối diện đã bỏ việc để đi làm “tiếp viên”. Cuộc sống của nó bây giờ rất khác, mấy lần thoáng qua ngoài phố, dáng vẻ nó không còn như trước, má đỏ môi hồng, áo quần hờ hững với thịt da, phong phanh trêu chọc với đời. Lúc đầu nó lánh mặt tôi, nhưng tôi chủ động đến tìm gặp nó. Chúng tôi ngồi bên nhau ở quán cà phê ngày nào mà nó với tôi thường ngồi. Ngoài kia sóng vẫn cứ chồng lên nhau, sóng sau vồ sóng trước để chạy vào bờ không một phút giây ngưng nghỉ. Mấy người châu Âu nằm phơi nắng trên bãi cát, một số người lang thang, đàn ông cũng như đàn bà, họ chỉ mặc độc cái xi líp để trùm cái “của ấy” lại, còn tất cả phơi ra bên ngoài. Tôi nói bâng quơ : “Nhìn phát khiếp !”. Con Thuỷ tán đồng : “Họ khiếp nhiều thứ !”. Tôi không hiểu nó muốn ám chỉ điều gì. Nó nằm ngửa ra trên chiếc ghế xếp ngẩng mặt lên trời, hình như nó đang nhìn lên những ngọn phi lao lắt lay trước gió. Nghe trong mơ hồ nó nói : “Sao buồn quá Thương ơi !”. Tôi bắt chước nó cũng nằm ngã người ra ghế nhìn lên những ngọn phi lao, im lặng. Nó nghiêng người qua phía tôi rồi kể hết, giọng kể như tiếng thở dài não ruột trong đêm. Gió ngoài biển thổi vào. Phấn hoa phi lao rơi lấm tấm trên tóc nó, trên tóc tôi. “Mày biết không, một ngày có khi phải nằm trong vòng tay những năm bảy kẻ đàn ông. Có thằng lịch sự, có thằng dã thú, cuồng điên trên thân xác của mình”. Tôi hỏi : “Thế bây giờ mày sẽ tính sao ?”. “Khi nào xem ra có vốn, tao lại về quê lấy chồng, tu chí làm ăn”. Tôi im lặng, không một lời can thiệp. Tôi có quyền gì mà can thiệp nó, mà đã đến thế này, can thiệp có ích chi. Sau lần ấy, tôi không có dịp nào gặp lại nó nữa.

Chú vẫn cứ thỉnh thoảng dúi năm bảy chục ngàn vào tay tôi. Còn cô cũng nhiều chuyển biến, cư xử với tôi như tình chị em. Tôi thấy cuộc sống của mình tuy vất vả, nhưng có phần dễ chịu. Tôi gọi là cô, nhưng họ hàng dây mơ rễ má rất xa, cô chỉ hơn tôi mươi tuổi. Một hôm tôi vào buồng tắm, cô bảo mở cửa để cô vào tắm chung. Tôi xấu hổ chưa biết phải thế nào, nên nói nhỏ vọng ra từ chối đây đẩy: “ Cô ơi ! Đừng vào ! Con đang ở truồng”. Cô nói : “Có sao đâu. Ai tắm mà không thế”. Nể nang quá, tôi đành hé cửa cô vào. Khép cửa phòng tắm, cô quay nhìn tôi, đôi mắt tròn xoe, giang tay búng nhẹ vào ngực tôi, cô nói: “Trời ơi ! Tao ghen với hai cái vú của mày”. Rồi cô thoát y : “Mày xem, ngực tao ngày xưa cũng căng tròn và đỏ mọng đầu núm như vú của mày, mỗi lần đi tắm sờ lên chắc nịch thích lắm. Thế mà bây giờ … mày xem”. Hai bầu vú của cô chảy xệ xuống, đầu vú thâm màu thịt trâu. Tôi cười : “Bắt đầu có con rồi ai cũng thế hết cô nhỉ ?”. Cô lườm tôi : “Cần gì phải đợi đến có con. Chỉ để đàn ông nó sờ, nó nắn cho mấy lần là sệ xuống ngay”. Sau lần tắm ấy, cô không bắt ép tôi phải làm việc quá sức như trước. Quán ngày càng đắt khách, cô tìm thêm hai người phụ việc, bớt đi cho tôi khoản rửa chén bát về khuya. Tôi bắt đầu tìm thấy được hơi ấm gia đình ở nơi đang sống. Nhưng rồi, một hôm chú dúi tiền vào tay tôi, tôi phát hiện ra cái nhìn của chú không bình thường, cái nhìn làm tôi nhột nhạt cả người. Từ đó buộc tôi phải luôn để ý về chú, tôi lại tiếp tục phát hiện mấy lần trong đêm khuya chú hay do dự đứng trứơc cửa phòng tôi đang nằm ngủ. Tôi nhận ra, cứ tiếp tục ngủ lại nơi này tuyệt nhiên không ổn.

Bạn thân tôi là út trong nhà, chỉ còn có mỗi nó ở với mẹ cha, người chị đã đi lấy chồng, nhưng nó học hành quá kém, ở lại lớp mấy năm, không được học ở trường phổ thông, định nghỉ, nhưng cha mẹ buộc nó phải tiếp tục đi học bổ túc văn hoá. Khi học lớp mười hai, thỉnh thoảng tôi tranh thủ xuống chơi với nó. Ông bà gặp tôi rất quý. Ông lao động biển, chất phác thật thà. Nghe tôi nói chưa có nơi ở ổn định, vợ chồng ông cho tôi về trọ. Ban ngày tôi làm ở nhà cô, ban đêm đi học về ở luôn nhà bạn để ngủ.

Thời điểm mà tôi nhẩm tính chuyện đời bắt đầu từ đây, từ lúc tôi về ở nhà bạn, cũng là lúc kết thúc năm học lớp mười hai, chuẩn bị bước vào ôn thi tốt nghiệp. Tôi gặp anh ấy. Đó là lần tôi theo bạn đến nghe anh nói chuyện chuyên đề. Dáng người cao ráo phong trần. Anh có cách nói khá hấp dẫn người nghe, nhưng có chút gì khinh bạc. Bạn tôi bảo : “Nghệ sĩ đấy. Nhiều đứa chết mê”. Tôi hỏi : “Lớn tuổi rồi, vợ con đùm đề cái chắc, thuộc loại cha chú, mê sao cho nổi ?”. Nói vậy, nhưng chính thân tôi lại cứ muốn đến nghe cái giọng của anh, muốn nhìn cái dáng của anh. Không biết trời xui đất khiến làm sao mà chiều hôm ấy tình cờ tôi lại gặp anh đơn độc trong quán bên đường. Tôi chủ động đến ngồi bên anh, hỏi chuyện. Chúng tôi quen nhau, rồi lại thân nhau. Anh chênh lệch với tôi nhiều lắm. Địa vị của anh, đối với tôi sao mà cao xa vời vợi. Mỗi lần nói chuyện với với bạn bè tôi thấy hình như đa số họ có biết đến anh. Anh còn sinh hoạt với cả cái giới văn chương nghệ sĩ gì đó thì phải. Tuổi tác của anh xấp xỉ tuổi bố của tôi, nhưng bố tôi là nông dân kham khổ, nên trông ông cằn cỗi già đi, còn anh nhìn ra cái dáng phong lưu của người quý phái, trông còn trẻ trung phong độ rất nhiều. Anh đã có vợ có con. Anh biết về hoàn cảnh tôi, tôi biết về hoàn cảnh anh. Chênh lệch mọi điều. Thế mà mỗi lần anh hẹn đi chơi là tôi lại đến. Hình như những quán cà phê đẹp nhất ở thành phố này tôi với anh đều trở thành khách hàng quen thuộc.

Lớp tôi đi thi tốt nghiệp mới thật buồn cười. Mấy cô chú lớn tuổi nhiều người học hành có biết gì đâu, mà dù có cố gắng bao nhiêu đi nữa cũng khó bề tiếp thu bài vở. Nghe nói những năm trước học thế mà thi đỗ tốt nghiệp chín mấy phần trăm. Năm nay dẫu học chẳng ra gì nhưng nhiều người đang nuôi hy vọng. Tôi vào phòng thi, buổi đầu tiên, mới ngồi mở đề ra xem chưa đầy mươi phút, các thí sinh đã bắt đầu cựa quậy, “phao” từ trong túi áo, túi quần lúc nhúc bò ra. Tiếng giám thị nghe đều đều, nghiêm nghị : “Đưa đây ! Đưa đây ! Coi chừng lập biên bản ! Đưa đây !”. Hết bàn này đến bàn khác. Tôi sợ lắm, cắm đầu cắm cổ làm bài. Môn Văn thi đầu, bài này tôi thuộc … Bỗng nghe cuối phòng có tiếng cô giám thị vang lên lạnh và sắc : “Tôi bảo đưa đây !”. Cả phòng quay lại, một thí sinh nam dùng dằng không chịu trao tài liệu cho cô. Thầy giám thị số một đứng dậy yêu cầu lập biên bản. Không khí phòng thi trở nên căng thẳng. Cuối buổi ra về, cái “thằng quỷ ấy” đón đường ném đá cô giáo, bị công an rượt đuổi ồn ào. Những buổi tiếp theo không khí trường thi hết sức căng thẳng. Tài liệu vừa hé ra là bắt, là lập biên bản. Nhiều người để tài liệu phồng lên trong túi áo túi quần, đều bị tóm hết, thế mà nhiều người vẫn cứ tiếp tục lôi ra. Nếu không lôi tài liệu ra thì có biết gì đâu mà viết ! Đến khi biết không thể nào quay tài liệu được nữa thì sinh ra hiện tượng trườn tới trườn lui, liếc ngang liếc dọc. Cũng bị thầy cô phê bình, cảnh cáo. Buổi thi môn Toán, tôi đang hí húi giải bài, một giám thị bước đến bên tôi, khỏ khỏ tay lên bàn rồi nói : “Cô còn tiếp tục cho người khác xem, tôi lập biên bản cả hai”. Tim tôi lúc ấy muốn vọt ra ngoài lồng ngực. Tôi nào có cho ai xem, nhưng liền hiểu ra, lúc tôi giải bài, một “chiến hữu” ngồi sau cứ dán mắt vào bài của tôi, tôi viết được chữ nào, anh chép theo chữ ấy. Sau mỗi buổi thi, thí sinh ra về bàn tán xôn xao, họ dùng những từ tục tĩu, trù ẻo đủ điều về thầy cô giáo coi thi. Mùa thi năm ấy đậu đâu ba mấy phần trăm, trong đó có tôi. Ngày biết kết quả, anh hẹn gặp nhau. Anh chúc mừng. Tôi nói : “Lần này thi hỏng nhiều lắm, lớp em đậu có chín người”. Anh bảo : “Hỏng nhiều mình đậu mới vinh”. Chúng tôi đi bên nhau trên bờ cát biển. Ngoài khơi một rừng đèn của ghe tàu câu cá, nhấp nha nhấp nháy lung linh như thành phố nổi. Trời rất thanh và biển rất êm. Sóng vỗ nhẹ vào bờ trườn lên bãi cát, rồi rút xuống, rồi trườn lên. Anh nắm tay tôi dừng lại, bóng đêm bao phủ bốn bề, anh dang vòng tay ra và tôi tự nguyện ngã vào. Lần đầu tiên trong đời tôi mới cảm nhận được nụ hôn. Ngọt ngào và ngây ngất. Tôi hỏi : “Có yêu thật không ?”. Anh gật đầu trong bóng tối. “Thế chị ở nhà thì sao ?”. Anh im lặng không nói gì. Chúng tôi lại tiếp tục đi bên nhau. Đến chỗ vắng người và lẫn trong bóng tối, chúng tôi dừng lại hôn nhau. Không hiểu tại sao, bây giờ tôi cứ muốn được anh hôn, được anh dang vòng tay siết chặt vào lòng. Đêm khuya lắm, chúng tôi rời nhau, mỗi người mỗi ngả.

Tôi nghỉ giúp việc ở nhà cô chú, nộp đơn xin việc ở một công ty cổ phần. Thời gian chờ đợi, tôi về quê mãn tang cho mẹ. Chúng tôi hẹn nhau. Anh đưa tôi đến một thành phố lớn. Mỗi lần gặp bạn anh dắt tôi theo. Tuy không giới thiệu rõ ràng, nhưng bạn bè đều biết quan hệ giữa anh và tôi, quả anh bạo dạn. Bạn bè anh là những người nổi tiếng, có cả tiến sĩ, doanh nhân, có người dạy học, viết văn, có người tạc tượng, … họ tỏ ra đồng tình với anh khi thấy tôi đi bên cạnh, họ lịch sự, thân tình và trí thức, tỏ ra tôn trọng và quý mến tôi. Tôi thấy mình hãnh diện, đang sống vào một thế giới mới lạ, thế giới của những con người văn hoá. Vừa rồi về mãn tang mẹ, thấy cảnh người chị con dì, lấy chồng cục mịch, chẳng học bao nhiêu, sinh con chưa đầy chín tháng, đã bị hắn đánh cho bầm mặt tím da, còn đòi đuổi chị ra khỏi nhà mới ghê cho chứ. Thế mà chị nhẫn nhục bảo : “Nó thương nên nó mới giận nó đánh mình đấy thôi”. Tôi nghĩ nếu mình lỡ rơi vào cảnh tù ngục như thế biết sao bây giờ ! Và rồi cái gì đến nó đã đến với đời con gái của tôi. Trong căn phòng sang trọng ấy, mùi nước hoa thoang thoảng nhẹ nhàng, không khí mát dịu trong không gian mờ ảo êm đềm, tôi đã ngã vào vòng tay anh quay cuồng trên giường đệm. Những nụ hôn đắm đuối, cúc áo bật ra, da thịt phô ra, tôi xấu hổ vô cùng khi cái thân thể loã lồ của mình phơi ra trước mắt anh … nhưng tôi không kháng cự, tự nguyện để anh âu yếm, và cuối cùng ... tôi như không còn biết gì nữa trong nỗi đau da thịt bàng hoàng nhưng mơn man cảm giác diệu kỳ chếnh choáng lửng lơ. Đến lúc mây tan, anh nằm im lặng, tôi hỏi : “Có yêu em thực sự không đấy ?”. “Có”. “Thế chị ở nhà thì sao ?”. Anh im lặng. Tôi quay người nằm đè lên anh, nhìn thẳng vào mắt anh : “Sao không nói ?”. Anh nhếch môi cười : “Bình thường chứ có sao đâu !”. Tôi hỏi : “Có chị ở nhà rồi anh còn lấy em nữa thì tính thế nào ? Chị biết được thì sao ?”. “Để cho biết được làm gì. Không cho biết !”. “Lỡ mình có con thì sao ?”. “Có con thì nuôi con. Nhưng dễ gì có. Anh cũng mong có con với em đấy”. “Cây kim trong bọc có ngày còn thòi ra, huống hồ gì anh có đứa con với em, làm sao mà giấu được ?”. “Lúc ấy còn giấu gì nữa”. “Trời ơi ! Sao anh liều lĩnh thế. Chị ấy mà đánh ghen thì em chết mất !”. “Làm gì có chuyện đánh ghen”. “Thế em phải làm vợ bé cho anh hay sao ?”. Bây giờ thì anh đẩy tôi ra khỏi ngực và ngồi dậy, nhìn vào mắt tôi một cách nghiêm trang, cái nhìn của anh sao mà quyền uy đến vậy : “Em có chấp nhận sinh con và sống với anh suốt đời hay không ?”. Tôi ngã người vào ngực anh bảo có. Anh lại ôm siết tôi vào lòng, quay cuồng trên giường đệm. Tôi hỏi : “Anh ơi ! Vậy luật hôn nhân thì sao ?”. “Chỉ có một vợ một chồng”. “Chúng mình vi phạm thì sao ?”. “Vô lẽ em kiện chúng mình ra pháp luật ?”. “Nhưng vợ anh đi kiện ?”. “Anh sẽ mất việc công sở”. “Nghĩa là mất hết ?”. “Chỉ mất việc thôi. Nhưng vợ anh có bao giờ muốn anh mất việc”. Tôi nằm yên trong vòng tay anh : “Vậy có yêu thương vợ nữa hay đã hết ?”. “Có”. “Thế còn em ?”. “Cả em nữa”. “Trời ơi ! Cái con người này sao mà tham lam đến thế. Mà tình cảm có khi nào chia sẻ được như thế hay không ?”. “Có. Như anh bây giờ”. Tôi đấm vào ngực anh, dẫu anh nói thật hay nói dối, tôi vẫn thấy tin tưởng và yêu thương con người này đến vô cùng.

Tôi trở thành vợ của anh như thế đấy. Tôi cùng anh trở về thành phố ven biển miền Đông. Anh bảo tôi học tiếp, nhưng tôi tự biết sức mình, nên quyết định đi nhận việc làm, tuy lương bổng không cao, vẫn đủ sống. Chúng tôi hẹn hò, chúng tôi hồi hợp, chúng tôi yêu đương. Thỉnh thoảng đi công tác xa, anh bảo tôi xin nghỉ việc đi cùng. Đến với anh, tôi biết được nhiều nơi, thấy được nhiều cảnh. Nếu chỉ để tự mình, chắc một đời chỉ ru rú mà thôi. Tôi thấy mình sống những ngày thực sự của tình yêu. Rồi một hôm, tôi phát hiện kinh nguyệt không bình thường, báo cho anh biết. Anh hỏi tôi : “Em tính thế nào ?”. Tôi biết tính thế nào bây giờ, hỏi anh để anh tính, thế mà anh hỏi ngược lại tôi. Tôi lưỡng lự : “Anh thích có con không ?”. Anh gật đầu : “Thích”. “Bây giờ sinh ra thì sống ở đâu ?”. Anh nhìn qua cửa sổ : “Thuê nhà”. “Còn về lâu dài thì sao ?”. “Làm nhà”. “Khai sinh cho con làm thế nào ?”. “Lấy họ tên anh”. “Người ta phát hiện thì sao ?”. “Ghi vào mục cha đỡ đầu”. Tôi đang lo sốt vó, anh trả lời tỉnh bơ. Nhưng tôi lại rất thích cái tính bình tỉnh của con người này đến lạ. Anh hỏi lại tôi : “Người ta hỏi có bầu với ai, em trả lời thế nào ?”. Tôi bắt đầu lúng túng. Tôi phải nói thế nào với người thân, với cha, với anh, với bà con, bạn bè bây giờ ? ! . . . Anh bảo : “Nếu khai anh thì anh mất việc. Mất việc thì ai nuôi con !”. Tôi lặng người đi. Anh nhắc lại : “Em nói thế nào ?”. Trong thâm tâm tôi nghĩ, đành một mình im lặng thế thôi. Và tôi im lặng không nói gì với anh. Anh buông một tiếng thở dài : “Nhưng sinh bây giờ hơi sớm”. Tôi nhìn anh hụt hẫng. Tôi âm thầm tự mình đến bác sĩ, khai báo đúng thời gian. Bác sĩ bảo : “Còn rất non, có thể xử lý theo hai tình huống : hoặc là uống thuốc, còn không uống thuốc thì phải hút”. Nghe nói hút, tôi sợ lắm ! Tôi nhờ kê toa mua thuốc. Uống thuốc đúng ba tuần, bụng tôi quặn lên cơn đau dữ dội, đau rủn cả người, tôi phải gập mình ngồi tựa lưng vào vách . . . và máu, máu đã trôi ra xối xả, đầm đìa. Sợ người ta phát hiện, tôi gượng đứng dậy, nhờ đứa bạn xin phép để đưa tôi về phòng nghỉ. Kết quả tình yêu giữa anh và tôi đi vào cát bụi. Bỗng dưng tôi thấy ân hận vô cùng, một tình thương dấy lên trong lòng, làm tôi thẫn thờ nuối tiếc. Biết được chuyện này, anh ngồi lặng lẽ, nhưng trên gương mặt anh thoáng nét đồng tình, bỗng dưng tôi thấy sao mà đáng ghét.

Ở công ty không ít người đeo đuổi theo tôi, không hiểu sao, mỗi lần nghĩ đến anh, tôi nhìn thấy họ trở nên thấp bé tầm thường. Tôi biết mình sa vào cảnh ngộ thế này có bao điều không ổn đang chờ phía trước. Nhiều lúc anh báo tin, hôm nay anh đi ăn đám cưới ai đó, lòng tôi quặn lên nỗi buồn tê tái. Nhiều đêm một mình, tôi nằm không ngủ, tự đem xét lại, có phải như thế là tình yêu ? Người ta yêu nhau, họ công khai chở nhau đi đến chỗ này, giới thiệu với mọi người chỗ khác. Còn tôi yêu anh, sống giữa thành phố đông vui, thế mà mỗi lần đi bên nhau phải nhìn trước ngó sau. Chỉ trừ những lúc cùng anh đi xa mới thấy chính mình trọn vẹn. Còn về con người cá nhân anh, tôi chẳng biết chê trách chỗ nào. Một lần về thành phố với anh rồi chia tay về lại công ty, tôi bị tai mạn ô tô, hai xe húc vào nhau, ca bin xe bẹp dí, mấy người chết ngay tại chỗ, tôi bị chấn thương, chỉ còn biết nhờ một người nào đó, gọi giúp về số điện thoại của anh, báo tôi tai nạn. Khi chuyển tôi về bệnh viện, đã thấy anh chờ sẵn đó rồi. Vừa mừng vừa tủi, nước mắt tôi ứa ra. Anh bảo : “Anh đây. Đừng khóc. Không có sao đâu”. Anh cúi xuống ẵm tôi vào phòng cấp cứu. Rồi anh chăm sóc tôi như trước kia mẹ lo cho tôi mỗi lần tôi ốm, động viên che chở cho tôi bình tâm, ấm áp. Tiếp đến, anh trai tôi chuyển gỗ trên đường rừng, xe lật, bị gỗ đè gãy xương, gọi điện cho tôi. Tôi biết cậy ai ! Chỉ dựa vào anh. Anh lo cho tôi như chính bản thân mình, không bao giờ tính toán. Nhiều lúc tôi nhận ở anh những tình cảm cho mình như một người cha, vừa bao dung vừa nghiêm nghị ; có khi bình đẳng, chân thành như anh, như bạn. Trong đời tôi lúc này, nếu vắng anh, biết tìm đâu ra, lấy gì bù đắp. Ở bên anh, tôi thấy yên lòng, tin cậy. Nhưng trong thâm tâm tôi nhiều khi nhói lên những nỗi niềm chua chát. Không ít lần tôi thấy anh chở vợ đi ngoài phố, tôi tủi thân và nổi máu ghen tuông. Tôi bảo : “Lần sau chở vợ đừng có diễu qua trước mắt của em”. Anh sững nhìn như hiểu thấu tim gan của tôi lúc ấy, nhưng chẳng nói gì. Tự nhiên tôi thấy mình không đúng. Chị ấy có tội tình chi, bởi tôi là kẻ đến sau một cách âm thầm. Còn anh, chẳng biết anh đã đối xử với chị ấy ở nhà ra sao. Với tôi, anh trách nhiệm quá nhiều, anh vui buồn chia sẻ và hiểu thấu nỗi lòng của tôi, tôi biết vì tôi mà anh gánh thêm nỗi khổ !

Nghỉ Tết, tôi không về quê, nhưng không thể ở lại bên anh, vì tôi phải dành cho anh những ngày quấn quýt với vợ con, còn tôi lạc lõng không nhà. Trống trải, tôi buồn, nên quyết định lên thăm anh trai sống ở Tây Nguyên. Vừa rồi anh cưới vợ, nhưng hôm đám cưới của anh tôi không về được. Gặp nhau, vợ chồng anh mừng lắm. Anh đưa tôi đi giới thiệu khắp nơi. Vợ chồng anh tỏ vẻ tự hào, bởi có đứa em xinh đẹp. Đêm chia tay, anh ngồi hỏi : “Sao không thấy em giới thiệu bạn trai ?”. Tôi im lặng. Chuyển sang chuyện khác lòng vòng, hồi lâu anh hỏi : “Em tính chuyện chồng con thế nào ?”. Tôi ngước mắt nhìn ra trời đêm hun hút, cái lạnh cao nguyên bao phủ căn nhà. Chị dâu tôi đang ngồi sắp xếp cái gì dưới bếp. Tôi không nhìn anh : “Em có thương một người”. Khuôn mặt anh sáng rỡ : “Ừ , thế chứ, người ấy ở đâu ?”. Tôi bảo người này anh có biết, vì một lần anh đến thành phố biển miền Đông thăm tôi, tôi có nhắn anh ấy đến và đưa chúng tôi đi chơi. Bỗng dưng khuôn mặt anh sa sầm, anh nhìn tôi thất vọng. Anh nói như rít qua kẻ răng : “Không thể được ! Người ấy xấp xỉ tuổi bố còn gì ? Lại còn có cả vợ con. Em còn rất trẻ. Giá như quá lứa lỡ thì, không ai nhìn đến, gá với người ta để kiếm đứa con, may còn thông cảm”. Tôi tiếp tục thăm dò ý anh : “Nhưng em lỡ thương rồi thì sao ?”. Anh đứng lên hăm doạ : “Nếu em còn tiếp tục, anh sẽ đến gặp con người ấy tính chuyện”. Nghe anh nói, tôi điếng cả người. Tôi biết tính anh, quen sống với bọn lục lâm thảo khấu, nhiều lúc tỏ ra hung hãn côn đồ, hành động có khi không cần suy nghĩ. Một cái Tết chia tay anh chị chẳng có gì vui, lại thấy chồng thêm nỗi buồn chất ngất. Ngồi trên xe chạy dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh, lúc đi lên, thấy rừng cây hun hút, cứ làm cho lòng mình háo hức trông mong ; thế mà khi về, cũng nhìn cảnh ấy, cũng cây rừng hun hút thế kia, nhưng sao mà buồn không chịu nỗi ! Và tôi thấy thương anh, không biết khi về sẽ nói với anh thế nào.

Trước kia tôi ở thành phố, khi nào nhớ nhau hẹn nhau là gặp. Còn bây giờ nơi tôi làm cách xa anh hơn bảy mươi cây số, công ty bắt làm nhiều lúc không biết đến ngày chủ nhật. Có khi hàng về dồn dập, hoặc yêu cầu xuất hàng cho kịp số lượng thì phải tăng giờ, tăng ca. Có khi hàng không đảm bảo chất lượng bị đối tác trả lại thì phải è cổ làm bù, nếu không thì bị trừ lương. Nhiều người đã bị trừ thật. Có đứa cuối tháng lãnh đâu ba bốn trăm nghìn. Ba bốn trăm nghìn đối với con gái chúng tôi thời buổi thế này thì biết làm sao ? Sức lao động của chị em tôi nhiều khi bị người ta vắt kiệt. Nhưng người ta đâu cần, ai muốn nghỉ thì nghỉ. Bởi có nhiều người muốn được vào công ty, nhưng xin không được. Bao lần anh bắt tôi bỏ việc nơi ấy, để anh tìm việc khác cho làm, lại gần thành phố. Nhưng trong thâm tâm, tuy yêu anh đến vô cùng, nhưng tôi ngần ngại ở gần, anh còn gia đình, tránh sao rắc rối.

Trước lời đe dọa của anh trai, tự nhiên trong tôi có nhiều dao động. Dao động vì nghĩ đến anh, chứ không phải lo cho tôi. Tôi không về công ty mà nhắn tin cho anh, hẹn gặp. Nằm bên anh, tôi nói : “Em dâng hiến cho anh từ ấy đến giờ, còn từ nay về sau, không biết ra sao!”. Anh sững sờ nhổm dậy : “Đừng nói gở ! Không có em, anh khùng lên mất !”. Tôi rất biết vị trí của tôi trong tình cảm của anh, chẳng khác nào vị trí của anh trong tình cảm của tôi. Về đến công ty một tuần, tôi nhắn tin cho anh : “Em về quê”. Nhận được tin anh hốt hoảng, anh bảo chờ anh đến, không được đi. Tôi nhắn lại : “Phải về gấp”. Anh gọi trực tiếp, tôi cúp máy. Anh nhắn tin : “Anh đến ngay bây giờ, đợi anh”. Tôi nhắn lại : “Em đang lên xe, anh đến không kịp đâu”. Anh bật máy gọi. Tôi cúp máy. Rồi máy cứ rung liên tục. Tôi bắt đầu tôi khoá máy từ đấy, cắt đứt liên lạc với mọi người. Tôi đang thử sức chịu đựng của mình, và xem sức chịu đựng của anh. Có lẽ trong thời gian cắt đứt liên lạc, anh đau khổ không kém gì tôi. Rồi một đêm khuya, tôi thức dậy mở máy. Trời ơi, một lúc đổ dồn vào máy tôi đến tám tin nhắn. Tôi biết, thế là trong một ngày không biết bao nhiêu lần anh nhắn cho tôi. Có những tin anh hỏi ở đâu. Có tin anh dùng lời rất nặng. Có tin anh rất ngọt ngào. Nhưng chung quy là dù có nặng lời hay ngọt ngào đều chứa một nỗi đau quay quắt. Đọc tin anh, tôi khóc. Rồi tôi lại khoá máy. Lúc này anh nghĩ tôi không còn ở công ty nữa và chắc chắn đang ở ngoài quê. Nhưng anh lại không biết rõ làng xã cha tôi đang sống, nếu biết đích xác, với con người như anh, tôi biết thế nào anh cũng tìm đến, dù cách xa bao nhiêu ngày đường. Không liên lạc với anh, tôi tự ý bỏ công ty xin đi làm ở một xí nghiệp khác. Nhưng đề phòng, gần tháng sau, tôi nhắn cho anh : “Tha lỗi cho em, em không còn ở quê, nhưng em sẽ không vào trong ấy nữa”. Bản tin vừa nhắn đi thì chuông điện thoại tôi rung lên, lần này thì tôi bắt máy, và tôi nói trước : “Anh tha lỗi cho em. Em đi lấy chồng !”. Và khoá máy. Không biết tôi làm thế có tàn nhẫn hay không. Khoảng tuần sau, tôi mở máy, để suốt ngày, thấy không có một tin nào nhắn đến. Rồi thời gian trôi qua, tôi chờ tin nhắn của anh, nhưng nào có thấy. Thỉnh thoảng bạn bè ai đó nhắn vài dòng vu vơ.

Tôi đón xe về lại thành phố, trời vào đêm, thơ thẩn một mình, quan sát trong đám người qua lại trên đường, xem có bóng dáng của anh không. Trong dòng người ngược xuôi xe cộ tập nập ồn ào, dẫu biết tìm anh có khác gì mò kim đáy bể, thế mà tôi vẫn cứ hi vọng chong mắt ra nhìn. Tôi đi dọc theo đường ra biển, tìm đến cái quán ngày xưa tôi với anh hay đến, tìm đến vị trí cái ghế mà tôi với anh hay ngồi để cảm nhận cái hương vị êm đềm của những ngày qua. Quán vắng, điện mờ, bước đến vịn tay vào hai chiếc ghế trống trơ, lạnh lẽo ghê người, tôi rùng mình hoảng sợ, vội quay người. Tôi bước ra khỏi quán, xiêu vẹo chập chờn. Gió từ biển thổi vào đuổi theo sau lưng. Một giọng nữ cao quen thuộc ngân vang bản tình ca tiền chiến có lần anh hát tôi nghe, mơ hồ suối vắng, lửng lo bóng người sương khuya. Ngoài đường, tiếng xe honda rú lên hỗn láo, tiếng rít cuồng loạn cọ xát vào mặt đường, rồi bóng xe của bọn choi choi độ tuổi như tôi vun vút loáng qua. Tôi rút điện thoại gọi anh, nhưng không còn can đảm để bấm vào bàn phím. Trước mắt tôi hiện ra không gian mờ nhoè, không rõ hình thù, chẳng còn đường nét. Bây giờ tôi biết đi đâu !


Phan Thiết, tháng 4 năm 2006
Võ Nguyên

Địa chỉ liên hệ : Võ Nguyên – Sở Giáo dục và Đào tạo
Số 10, đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
ĐTDĐ : 0919.003233 , ĐTNR: (062) 812340, mail : vonguyens@yahoo.fr

.